Kỹ thuật nuôi Lợn Rừng nhanh lớn, ít bệnh tật
Kỹ thuật nuôi lợn rừng không khó, nhưng cần bỏ nhiều thời gian và công sức. Lợn rừng hay còn gọi là heo rừng là loài động vật hoang dã ngoài tự nhiên, được con người thuần chủng và nuôi khá nhiều tại Việt Nam. Được biết đến là loài thịt sạch, với lượng mỡ thấp, chất thịt ngon và có hương vị của rừng núi. Trong bài viết này, NongLam.NET sẽ giới thiệu tới bà con chi tiết kỹ thuật nuôi lợn rừng đúng cách, hiệu quả kinh tế cao.
Tiêu chuẩn để có thịt lợn rừng chất lượng cao
Để việc nuôi heo rừng đạt hiệu quả, bà con cần xác định được mục tiêu của mình trước khi nuôi. Một số mục tiêu được liệt kê dưới đây để bà con tham khảo.
- Thịt lợn đầu ra cần phải đạt chất lượng thương phẩm tốt. Là thịt an toàn trong quá trình sản xuất, và đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Lợn phải nuôi với nguồn thức ăn gần như tự nhiên nhất: ngô, khoai, sắn, giun quế, … Cùng với đó là lợn cần được vận động trong môi trường rộng lớn, thoáng mát gần giống tự nhiên.
- Tạo ra được số lượng con giống kế tiếp chất lượng tốt. Đàn lợn rừng con sinh ra cần phải khỏe mạnh, linh hoạt. Cùng với đó là được tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đảm bảo phòng ngừa sớm các loại bệnh tật.
- Liên tục sàng lọc lợn rừng giống bố mẹ để cho chất lượng đàn đời sau tốt hơn đời trước: khỏe mạnh hơn, đẻ mắn hơn, lợn con sinh ra mang tính hoang dã hơn.
Video Kỹ Thuật Nuôi Lợn Rừng Nhanh Lớn, Ít Bệnh Tật
1/ Cách chọn giống lợn rừng
Cách chọn heo đực giống
- Lợn đực giống cần mua về lúc chúng được khoảng 6 tháng tuổi. Và chỉ sử dụng khi chúng đạt ít nhất 7- 8 tháng tuổi. Không nên sử dụng lợn đực giống non vì ảnh hưởng đến chất lượng đời sau.
- Bà con có thể lựa chọn lợn đực giống dựa vào những đặc điểm liệt kê dưới đây: Mặt dài, lưng thẳng, đầu thanh, bụng thon đều không bị sệ, 4 chân đều thẳng, cao và vững chắc. Phần lông bờm dựng đứng, đồng thời chạy dài từ cổ tới lưng. Phần tinh hoàn lộ rõ, to và cần phải cân đối, có độ đàn hồi cao. Lợn đực giống cần phải mang tính hung hãn, dữ tợn.
Cách chọn heo nái giống
- Chọn mua đàn lợn nái hậu bị khi chúng được 4 – 6 tháng tuổi. Từ đàn lợn nái hậu bị này, bà con tiến hành sàng lọc kiểm tra để chọn ra lợn nái sinh sản.
- Cần chọn những con lợn nái khỏe mạnh, không khuyết tật, 3 bộ phận quan trọng nhất cần quan tâm khi chọn lợn nái giống là : cơ quan sinh dục, khung xương và vú. Dưới đây là một số đặc điểm bà con có thể căn cứ vào để chọn lợn nái giống:
-
- Phần cơ quan sinh dục: lợn nái giống cần có cơ quan sinh dục phát triển bình thường, bình thường cả về hình dáng và hoạt động.
- Tuyến vú: Cần chọn những con có đủ số vú để nuôi đàn đông con. Bình thường lợn rừng có 5 đôi vú xếp đều đặn mỗi bên. Những con có vú cong vênh, lệch, khô sẽ không được ưu tiên chọn.
- Khung xương: Phần khung xương và 4 chân cần phải chắc khỏe, linh hoạt và nhanh nhẹn. Không nên chọn những con có chân yếu, khung xương nhỏ sẽ ảnh hưởng đến việc nuôi con sau này.
2/ Kỹ thuật Làm chuồng nuôi heo rừng
Chuồng trại rất đơn giản, tuy nhiên, phải nắm vững một số đặc điểm và tập tính của heo rừng để bố trí chuồng trại. Nên chọn chỗ đất cao và thoát nước tốt để nuôi. Chỗ nuôi nên có nguồn nước sạch, không những cung cấp đủ nước cho heo uống mà quan trọng hơn là nó sẽ duy trì được hệ thực vật phong phú và giữ được độ ấm thích hợp cho heo rừng.
Chuồng trại càng cách xa khu dân cư và đường sá càng tốt. Bản năng hoang dã đã đưa chúng vào tình trạng hết sức cảnh giác và luôn hoảng hốt bỏ chạy khi nghe có tiếng động.
Ta có thể nuôi heo rừng theo kiểu thả rông trong những khu vực có cây xanh, có rào che chắn xung quanh. Điều quan trọng là hệ thống hàng rào phải hết sức chắc chắn. Ta có thể vây lưới B40 thành các vườn nuôi tự nhiên, có móng kiên cố (vì heo rừng hay đào hang), mỗi vườn nuôi rộng 50-100 m2 (tùy theo khả năng đất đai) trong đó có chuồng nuôi rộng 20-30 m2 nuôi khoảng 4-5 heo cái trưởng thành, chúng sẽ sống và sinh sản trực tiếp trong khu vực này. Heo đực giống nuôi riêng, mỗi con một vườn, mỗi vườn nuôi rộng 40-50 m2 trong đó có chuồng nuôi rộng 5-10 m2. Chuồng nuôi, có mái che mưa, che nắng, cao trên 2,5m, nền đất tự nhiên, có độ dốc 2-3%… đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ, mát mẻ về mùa hè, ấm áp về mùa đông, tránh nắng nóng, mưa tạt, gió lùa…
Làm máng ăn uống cho lợn rừng như sau
- Phần máng ăn uống cần thiết kế ở phía đầu chuồng, cũng là nơi thấp nhất trong chuồng. Mục đích giúp cho việc dọn dẹp dễ dàng, máng luôn ở trạng thái sạch sẽ.
- Phần máng ăn cần có độ cao hơn khoảng 15-20cm tùy theo độ cao đàn lợn. Chiều dài của máng trong khoảng 2,0 – 2,2m, độ rộng lòng máng 20-30cm. Nếu máng cố định thì cần xây cao hơn so với mặt đất 5-7cm để tiện cho việc vệ sinh.
3/ Thức ăn cho lợn rừng
Khẩu phần thức ăn cho heo rừng thông thường gồm: 60% – 90% là thức ăn thô xanh, 10% – 40% là thức ăn tinh và phế phụ phẩm nông nghiệp…tùy theo từng độ tuổi mà cho ăn khẩu phần thích hợp. Mỗi ngày cho ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều. Bà con nên cho ăn theo một khung giờ cố định.
Thức ăn thô xanh cho lợn rừng khá đa dạng, có thể kể đến như thân cây ngô, cây chuối, các loại rau, đu đủ, quả su su, … Cùng với đó, bà con có thể sử dụng các loại cây thuốc nam để cho lợn rừng ăn giúp hạn chế bệnh tật. Các loại lá cây thuốc nam có thể kể đến như: Cây hoàng ngọc, cây cỏ voi, cây nhọ nồi, cây khổ sâm, cây phèn đen, …
Thức ăn tinh cho heo rừng gồm ngô, khoai sắn, cám gạo, đậu các loại, giun quế, các loại cá khô.
Thức ăn cần đảm bảo an toàn trước khi cho heo ăn. Cụ thể như không bị ẩm mốc, không bị sâu mọt, không có mùi lạ hay không vón cục. Các thành phần thức ăn trước khi phối trộn cần được nghiền nhỏ bằng máy nghiền thức ăn chăn nuôi.
Cách cho lợn rừng ăn như sau: Bà con có thể cho ăn từng loại thức ăn thô và tinh riêng hoặc băm nhỏ thức ăn thô và nghiền nhỏ thức ăn tinh rồi phối trộn cho vào máng cho lợn rừng ăn. Trung bình 1 con lợn rừng trưởng thành ăn khoảng 2 kg thức ăn thô xanh và 0,2 kg thức ăn tinh.
4/ Cách nuôi lợn rừng sinh sản
Chu kỳ động dục của lợn rừng là 21 ngày, thời gian động dục kéo dài 3-5 ngày. Thời điểm phối giống thích hợp vào cuối ngày thứ 2 hoặc đầu ngày thứ 3.
Bỏ qua 1-2 lần động dục đầu tiên, vì cơ thể chưa hoàn thiện, trứng rụng ít, phối giống, đậu thai hiệu quả thấp. Khi lợn cái có dấu hiệu động dục ta cho lợn đực tiếp xúc với lợn cái. Lợn đực sẽ phối giống liên tục đến khi nào lợn cái không chịu nữa mới thôi. Có thể cho phối kép 2 lần vào lúc sáng sớm và chiều mát (hoặc ngược lại). Sau 21 ngày, lợn cái không động dục trở lại, có thể lợn cái đã có bầu.
Lợn rừng mắn đẻ, đẻ nhiều con, mỗi năm có thể đẻ 2 lứa, mỗi lứa 6-7 con, cá biệt có lứa đẻ 9-10 con và khéo nuôi con. Thời gian mang thai 3 tháng, 3 tuần, 3 ngày (114 -115 ngày) thì đẻ.
Kỹ thuật nuôi lợn rừng sinh sản: Khi gần đẻ, lợn nái thường có biểu hiện như cắn ổ, tha cỏ, rơm rác…Nên nhốt riêng lợn nái mang bầu với đàn khi lợn gần sinh để được nghỉ ngơi tốt hơn và dễ dàng chăm sóc lợn nái với khẩu phần ăn đặc biệt hơn. Lợn rừng mang thai lứa đầu tiên đẻ từ 3 – 5 con, bắt đầu lứa thứ hai: 5 – 8 con. Thời gian đẻ (từ con đầu đến con cuối) 2 – 4 giờ. Quá trình đẻ diễn ra theo tự nhiên, không cần sự giúp đỡ hoặc can thiệp của con người.
Trong thời gian lợn nái không mang thai cho ăn khẩu phần ăn bình thường 20% thức ăn tinh (cám gạo, bột ngô…), 80% thức ăn thô (rau, củ, quả). Toàn bộ cho ăn sống, ngày 2 bữa chính: sáng và chiều tối, bữa trưa có thể cho ăn phụ thêm rau, củ, quả. Tương tự Khẩu phần ăn của lợn đực giống cũng là: 20% thức ăn tinh, 80% thức ăn thô, toàn bộ cho ăn sống. Trước khi phối giống nên bồi bổ cho lợn đực như: hòa cám gạo, bột ngô cho ăn, cho ăn một vài quả trứng gà, trứng vịt.
Khi mang thai tăng khẩu phần ăn cho lợn nái, cụ thể: 30% thức ăn tinh và 70% thức ăn thô. Tòa bộ cho ăn sống.
Khi nuôi con, thức ăn của lợn mẹ có sự thay đổi cơ bản, đặc biệt là tháng đầu nuôi con, chỉ cho lợn mẹ ăn thức ăn tinh như cám gạo, bột ngô hòa với nước sạch + muối và bổ sung thêm các vi lượng, men tiêu hóa dành cho lợn nái nuôi con thì càng tốt, thức ăn (không cần phải nấu chín), ngày 3 bữa: sáng, trưa, chiều tối.
Không nên cho lợn mẹ ăn một số thức ăn trong thời gian này như: rau muống, rau lang, hoa quả ôi thối…. Sau 1 tháng nuôi con bắt đầu cho lợn mẹ ăn một số loại thức ăn như thân cây chuối, rau muống… với điều kiện phải kiểm soát được nguồn thức ăn đó không có độc hại và cho ăn dần dần, không nên cho ăn nhiều ngay dễ làm cho lợn con bú mẹ không thích nghi gây bệnh tiêu chảy.
5/ Cách nuôi lợn rừng con giai đoạn bú sữa
Sau khi sinh khoảng 20 ngày lợn con bắt đầu tập ăn, khi thấy lợn con nhấm nháp, liếm chậu ăn của lợn mẹ thì mua loại cám nhặt cho lợn con ăn. Cần kiểm soát không để lợn con ăn những thức ăn tươi sống như vậy lợn con rất dễ bị đi ỉa chảy. Sau 1 tháng lợn con bắt đầu ăn mạnh, vì vậy cần tăng lượng cám nhặt cho chúng. Sau 1,5 tháng bắt đầu cho lợn con tập ăn dần với các thức ăn tươi sống nhưng phải kiểm soát thật tốt nguồn thức ăn này. Sau 2 tháng tuổi nên tách mẹ để lợn mẹ hồi phục thể trạng và động dục. Thời gian đầu khoảng 1 tháng sau khi tách mẹ nên cho lợn con ăn nhiều chất tinh, 60% thức ăn tinh, 40% thức ăn thô, sau đó chuyển sang chế độ nuôi thương phẩm.
Sau hơn 1 tháng lợn con bắt đầu làm quen với các thức ăn tươi sống có thể cho chúng ăn một số loại rau cỏ tốt cho tiêu hóa như thân cây chuối chặt nhỏ, không cho lợn ăn rau lang, rau muống trong thời gian này dễ bị tiêu chảy.
6/ Cách nuôi lợn rừng thương phẩm
Để đảm bảo uy tín và có chất lượng thịt tốt nhất thì phải kiểm soát được khẩu phần ăn của lợn rừng nuôi thương phẩm. Khi lợn con tách mẹ để nuôi thương phẩm cần thực hiện chế độ ăn như sau: 10% thức ăn tinh, 90% thức ăn thô, toàn bộ cho ăn sống. Nếu dồi dào về nguồn thức ăn thì có thể cho ăn 100% thức ăn thô, như vậy vẫn đảm bảo được sự tăng trưởng của lợn và chất lượng thịt. Thực hiện chế độ ăn này sau 2 – 3 tháng nuôi, lợn sẽ đạt ít nhất 95 – 97% là thịt nạc, thịt thơm ngon tự nhiên.
Lợn con nuôi đến 3 tháng tuổi nếu đạt trọng lượng ở mức 10 kg thì có thể đem bán giống. Nếu nuôi thương phẩm thì khi lợn có trọng lượng đạt hơn 30 kg sẽ bắt đầu bán, và nuôi trong 2 năm thì lợn mới đạt tới trọng lượng 60 kg.
7/ Cách phòng trừ bệnh cho lợn rừng
Những nguyên nhân dẫn đến heo rừng bị bệnh bao gồm:
- Lợn rừng bị thay đổi điều kiện sống nhanh, đột ngột, ảnh hưởng stress, .. Hay thay đổi môi trường nuôi, vận chuyển trên quãng đường dài.
- Thức ăn cũng như nước uống cho lợn không hợp vệ sinh.
- Vi khuẩn xâm nhập cơ thể, cùng với đó là vi trùng sống kí sinh.
Để phòng bệnh cho lợn rừng bà con cần:
Cần phải thường xuyên tẩy rửa, khử uế chuồng nuôi. Chuồng nuôi cần chia làm 2 ngăn, khi vệ sinh ta lùa heo sang ngăn còn lại. Sau khi đã vệ sinh, rửa khô ta lùa heo lại và vệ sinh nửa chuồng còn lại.
Sau mỗi lứa nuôi, cần vệ sinh sạch sẽ chuồng và để chuồng nghỉ ngơi 3-5 ngày trước khi thả lứa tiếp theo.
Một lưu ý nữa là lợn mới mua về cần phải nhốt ở khu vực riêng khoảng nửa tháng trước khi cho nhập đàn. Cùng với đó là hạn chế người và vật lạ vào khu vực nuôi, tránh làm lợn hoảng loạn và cũng ngăn đưa mầm bệnh vào trong chuồng nuôi.
Lịch tiêm Vacxin cho lợn rừng
- Bà con thực hiện tiêm vắc xin cho đàn lợn theo bảng lịch sau đây:
- Sau khi tiến hành tiêm vắc xin, lợn chưa có khả năng miễn dịch ngay. Khoảng 7-21 ngày sau mới có thể miễn dịch (tùy từng loại vacxin).
- Mỗi loại vacxin chỉ có tác dụng trong khoảng thời gian nhất định. Nên bà con cần định kỳ tiêm nhắc lại.
- Trước khi lợn nái sinh khoảng 1 tháng, thực hiện tiêm vacxin Ecoli phù đầu lần 1 để phòng chống lợn con bị tiêu chảy. Nếu 25 ngày sau mà lợn chưa đẻ thì bà con tiêm nhắc lại lần 2.
- Lợn con mới sinh xong, cần cho uống men tiêu hóa LACTOMIN 1 gói / đàn.
Một số bài thuốc nam cho lợn rừng
Khi mới sinh ra lợn chưa biết ăn dễ bị ốm, tiêu chảy. Bà con có thể sử dụng bài thuốc: 5 lá búp ổi non, 1 nhúm lá khổ sâm, 1 ít lá nhọ nồi, 1 ít lá phèn đen cho vào một chén nước giã nhỏ. Thực hiện giã nát và cho lợn con uống nước.
Nếu lợn con đã biết ăn, hoặc lợn mẹ bị tiêu chảy cần cho ăn trực tiếp lá khổ sâm, lá ổi và một ít lá nhọ nồi để lợn nhanh khỏi bệnh.
Như vậy là bà con đã cùng NongLam.NET tìm hiểu qua về kỹ thuật nuôi lợn rừng sinh sản và thương phẩm. Chúc bà con thành công với đàn lợn rừng nhanh lớn!
Xem thêm:
- Kỹ thuật nuôi Cá Chạch Lấu thương phẩm
- Kỹ thuật nuôi Chim Trĩ hiệu quả cao
- Đá liếm cho Bò giá rẻ chất lượng cao
- Hướng dẫn Nuôi Dúi Sinh Sản và Thương Phẩm
- Địa chỉ các trại bán Dúi Giống, Dúi Thịt trên cả nước