Kỹ thuật nuôi Chim Trĩ hiệu quả cao
Chim trĩ được đánh giá là một trong những loài chim có giá trị kinh tế cao nhất trong các loại gia cầm hiện nay. Chim trĩ bao gồm các loại như chim trĩ đỏ, chim trĩ xanh, chim trĩ 7 màu. Để nuôi chim trĩ không bị chết, bà con cần nắm vững kỹ thuật nuôi chim trĩ, chăm sóc và phòng trị bệnh cho chim trĩ như dưới đây.
Video hướng dẫn kỹ thuật nuôi chim trĩ
1/ Kỹ thuật xây dựng chuồng trại nuôi Chim Trĩ
- Vị trí xây dựng chuồng nuôi: phải chọn nơi cao ráo, dễ thoát nước, xa ao hồ, thoáng mát và yên tĩnh. Cách xa các trại nuôi gia súc, gia cầm khác nhằm hạn chế lây lan bệnh tật.
- Xác định hướng chuồng nuôi: Làm chuồng theo hướng Đông Nam để đón gió mát vào mùa hè và tránh gió rét vào mùa đông.
- Cấu tạo chuồng nuôi chim trĩ: Việc làm chuồng trại cho chim trĩ không quá cầu kỳ, ta có thể tận dụng các khu chuồng nuôi cũ, chuồng lợn, chuồng bò, chuồng gà….để làm chuồng nuôi. Chuồng nuôi chim chia thành các ô nhỏ để nuôi. Mỗi ô chuồng nên để 25% diện tích ngoài trời làm khu vui chơi cho chim, 75% diện tích còn lại trong nhà để cho chim ăn uống và nghỉ ngơi, đẻ trứng. Bao quanh chuồng nuôi cần căng lưới kín để chim không bay thoát ra ngoài thiên nhiên được.
Tuỳ theo quy mô chăn nuôi, điều kiện từng gia đình mà ta có những kiểu thiết kế chuồng nuôi khác nhau nhưng nhìn chung kết cấu chuồng phải thoả mãn các yêu cầu sau:
- Nền móng: Phải đảm bảo vững chắc chịu được lực nén của phần trên và chống ẩm tốt. Thường thì làm nền bằng gạch lát hoặc láng xi măng cát có độ dốc thích hợp, dễ sát trùng, dễ làm vệ sinh.
- Mái chuồng: phải bền và cách nhiệt tốt để chống nóng cho chim. Có thể lợp mái bằng ngói, tôn, fibroximăng hoặc lá tranh, rơm. Mái nên có màu sáng để cách nhiệt tốt hơn. Mái lợp qua vách chuồng khoảng 1m, để tránh mưa hắt làm ướt nền chuồng, độ dốc của mái khoảng 30 độ để dễ thoát nước mưa. Làm một mái hoặc 2 mái.
- Xung quanh chuồng nuôi dùng vải bạt, bao tải, che cách vách tường 20 cm phía ngoài chuồng nuôi, nhằm bảo vệ cho chim trĩ tránh được mưa, gió rét nhất là ở giai đoạn chim còn nhỏ.
Thiết kế thêm hố sát trùng bằng vôi bột trước cửa chuồng, của trại nuôi để diệt khuẩn các mầm bệnh.
2/ Kỹ thuật chọn mua chim trĩ giống
Đầu tiên là phải chọn mua con giống ở các cơ sở uy tín đã chăn nuôi lâu năm, có đầy đủ giấy tờ chăn nuôi và tiêm phòng. Tiếp theo là lựa chọn theo tiêu chuẩn sau đây:
* Đối với chim non dưới 2 tháng tuổi thì rất khó để xác định chim trống, chim mái, nên sẽ chọn theo cảm quan. Chọn chim non cần chú ý đến các đặc điểm này:
- Chim khỏe mạnh, tinh nhanh, hoạt bát và có thân hình cân đối
- Đôi mắt phải tròn sáng mở to, tránh chọn những đôi mắt nhỏ, mắt mờ nhé.
- Đôi chân thẳng đứng vững, ngón chân không vẹo.
- Lông khô, bông tơi xốp, sạch, mọc đều.
- Đuôi cánh áp sát vào thân.
- Bụng thon và mềm.
- Rốn khô và kín.
- Đầu to cân đối, cổ dài và chắc.
- Mỏ to chắc chắn, không vẹo, 2 mỏ khép kín.
* Đối với chim trĩ trống để làm giống: Tiêu chuẩn chọn trĩ trống để giống gồm những điểm sau đây:
- Không bị tật bệnh bẩm sinh
- Có vóc dáng cao to, oai vệ nhất đàn
- Có ngoại hình trông đẹp mã
- Có đuôi dài lành lặn, với bộ lông mướt mát, sặc sỡ
- Có tính năng động, sung sức, thích cặp kè bên trĩ mái
- Hăng hái trong việc truyền giống, trứng có nhiều cồ.
* Đối với chim trĩ mái để sinh sản: Tiêu chuẩn chọn trĩ mái để làm giống gồm những điểm sau đây:
- Không bị tật bệnh bẩm sinh
- Sởn sơ, lanh lẹ, năng động
- Sắc lông, sáng bóng
- Bụng lớn, đít hơi xệ (mái này đẻ sai)
- Hậu môn rộng, có niêm mạc màu hồng
Cách phân biệt chim trĩ trống và mái
Từ 2 -3 tháng tuổi trở lên, chim trĩ có sự phát triển về trọng lượng và độ dài cơ thể so với chim mái, màu lông từ nâu nhạt chuyển thành đỏ pha. Trên cổ chim trống hình thành tuyến lông màu đồng phía dưới là màu xanh lá cây hoặc màu tím sáng . Trên má hình thành hai mào đỏ và hai chỏm lông sừng màu xanh thẫm.
Với người mới bắt đầu chọn những con chim trĩ đầu tiên để nhân giống, nên chọn mua những chú chim ở thời kỳ 3 – 5 tháng tuổi hoặc chim trĩ hậu bị để giảm hao hụt thấp nhất.
3/ Kỹ thuật nuôi chim trĩ non từ lúc nở đến 3 tháng tuổi
Chim trĩ con mới nở rất yếu, nên khi đem ra khỏi máy ấp cần nhẹ nhàng chuyển chúng sang lồng úm để chúng cứng cáp hơn. Nuôi chim trĩ con thời gian đầu là giai đoạn cần rất nhiều sự chăm sóc thì mới có thể tạo ra bầy chim giống sau này khỏe mạnh được.
Lồng úm và dụng cụ chăn nuôi cần được vệ sinh sát trùng sạch sẽ, chuồng cần được dọn và để trống 15 – 20 ngày trước khi đưa chim vào nuôi. Để biết chi tiết các bước vệ sinh sát trùng chuồng nuôi bạn hãy xem Các bước cần chuẩn bị khi nhập lứa gà mới.
- Điều chỉnh nhiệt độ úm khi nuôi chim trĩ con
Đây là phần khó nhất và cũng là phần quan trọng nhất trong khâu kỹ thuật úm chim trĩ. Luôn luôn phải đảm bảo nhiệt độ ổn định 24/24 giờ cho chim, nếu mất điện phải có phương án thay thế kịp thời như Máy phát điện, Ắc quy,… Trong quá trình nuôi phải quan sát phản ứng của chim đối với nhiệt độ.
– Nếu chim tập trung gần nguồn nhiệt, chen lấn chồng lên nhau là chuồng nuôi không đủ nhiệt độ, chim đang bị lạnh.
– Nếu chim tản xa nguồn nhiệt, nháo nhác, khát nước, há mỏ để thở là bị quá nóng cần phải điều chỉnh giảm nhiệt độ.
– Nếu chim tụm lại một phía là bị gió lùa rất nguy hiểm, cần phải che lại hướng gió thổi.
– Khi đủ nhiệt chim ăn uống bình thường, ngủ, nghỉ tản đều
Sau 1 tháng úm là ta dừng úm và thả chim ra chuồng nuôi vận động. Nền chuồng nên lót trấu để dễ vệ sinh chuồng trại.
Cho chim trĩ con ăn uống gì ?
Sau khi chim nở ra ta cho chim uống nước khoảng 2 tiếng rồi mới bắt đầu cho chim ăn, thức ăn cho chim là loại cám gà tổng hợp chuyên dùng cho gà con, máng ăn và bình nước uống cũng dùng loại hay dùng cho gà con.
Sau 1 tuần ta bổ sung thêm rau xanh bằng cách cắt nhỏ và bỏ vào máng ăn cho chim. Bổ sung các loại côn trùng như dế mèn, nhộng ruồi lính đen,…nếu có. Ngoài ra có thể tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương như cám ngô, gạo, phối trộn cho ăn.
Trong 2 ngày đầu mới nở ta dùng thuốc úm gà con pha vào nước cho chim uống
Từ ngày thứ 3 trở đi có thể cho chim uống thêm vitamin như: ADE hoặc Becomlec hoặc Vit C hoặc Điện giải….. Cứ 5 ngày cho chim uống thuốc tiêu chảy 1 ngày.
Tiêm vắc xin phòng bệnh cho chim như đối với gà con.
4/ Kỹ thuật nuôi chim trĩ từ tháng thứ 3 trở lên
Chim được nuôi trong lồng lớn sử dụng thức ăn dành cho gia cầm trưởng thành, gia cầm sinh sản kết hợp với thóc.Chú ý khi mới chuyển đổi thức ăn ta cho ăn tăng dần lượng thức mới, chứ không chuyển đổi đột ngột 100% tránh chim sốc thức ăn . Tỉ lệ pha tùy theo thời kỳ sinh trưởng của chim. Có thể dùng tới 60% thóc trong khẩu phần thức ăn hoặc trộn thêm 20% lúa để kích thích tính thèm ăn của chim. Ngoài ra, cần kết hợp cho ăn thêm rau muống, rau lang, thân cây chuối thái nhỏ, các loại côn trùng,… Hiện nay nhiều nông hộ nuôi các loại côn trùng như dế mèn, ruồi lính đen làm thức ăn cho chim để giảm chi phí mua cám công nghiệp.
Chim trĩ lớn nuôi chuồng thường có hai cách:
- Cách thứ nhất là nuôi nhốt một vài con trong chuồng đơn, cả ngày lẫn đêm chúng chỉ được sống trong diện tích chuồng đủ rộng đó: một vài mét vuông cho vài cá thể. Với cách sống, ăn uống và sinh hoạt tại chỗ.
- Cách thứ hai là nuôi chuồng tập thể liền với khu vực sân nắng. Nuôi theo kiểu chuồng này tuy tiếng là nuôi nhốt, nhưng thực tế là nuôi thả. Các máng đựng thức ăn nước uống được đặt thường trực tại chuồng cho trĩ ăn uống thoải mái, ngoài diện tích ngăn chuồng chật hẹp ra, hằng ngày trĩ được thả ra sân nắng tự do đi lại, bươi mổ để kiếm thêm thức ăn có sẵn trong tự nhiên như rau cỏ tươi non, các loài côn trùng, thức ăn nhiều chất khoáng …
Trong giai đoạn từ 3 tháng tuổi trở lên, chim thay lông nên hay cắn mổ nhau, nếu có điều kiện nên mua kính về đeo cho chim.
Trong chuồng để nhiều cành cây hoặc làm các tầng sàn cao thấp khác nhau để chim bay lên đậu. Nền chuồng dải một lớp cát vàng dầy khoảng 3 cm để chim ăn giúp bổ sung canxi, sau 6 tháng dọn 1 lần hoặc đổ thêm cát mới lên.
Hướng dẫn chăm sóc chim trĩ giai đoạn đẻ trứng
Chim trĩ sau 200-240 ngày có thể đẻ trứng. Chim đẻ trứng 2 đợt liên tục trong năm: Đợt 1 đẻ từ đầu tháng 1 âm lịch đến tháng 4 âm lịch. Sau đó chim ngừng đẻ 1 tháng rồi đẻ tiếp đợt 2 đến tháng 8 âm lịch thì nghỉ. Mỗi năm trung bình chim mái có thể đẻ từ 90-100 trứng
Thường thì ở các tỉnh phía bắc nước ta, mùa đông lạnh nên chim sẽ đẻ muộn hơn. Mùa đẻ thường rơi vào mùa xuân khi thời tiết bắt đầu ấm áp, cho nên ở các tỉnh phía Nam chim trĩ sẽ đẻ sớm hơn và lâu hơn. Ngoài ra, số trứng, thời gian đẻ còn phụ thuộc vào kỹ thuật nuôi, chế độ cho ăn và quản lý vật nuôi.
Thức ăn dành nuôi trĩ sinh sản là loại cám viên hỗn hợp dành nuôi gà đẻ công nghiệp, nhưng cần trộn vào 30-40% lúa, và cho trĩ ăn thêm nhiều rau cỏ tươi non, các loại côn trùng.
Mật độ ghép trống:mái là 1:3, do đó nuôi nhốt trong lồng ta nuôi với mật độ 4 con/ 2 m2, còn nuôi tập trung khoảng 30 con/10m2. Thực hiện ghép chim sau khi đạt từ 10 tháng tuổi trở lên, nên ghép chim trống có tuổi cao hơn với chim mái để đạt hiệu quả sinh sản cao.
Hàng ngày quan sát chuồng trại khi chim đẻ xong là thu nhặt trứng ngay. Trứng chim có thể bảo quản được lên đến 7 ngày, nếu trời nóng sau 4-5 ngày cần mang trứng đi ấp ngay như vậy mới đảm bảo tị lệ nở cao. Chim trĩ không biết ấp trứng do vậy cần mang trứng đi cho gà ấp hoặc ấp bằng máy ấp trứng gia cầm nếu có. Sau khoảng từ 21 – 25 ngày ấp là trứng nở. Dưới đây là nhiệt độ ấp phù hợp cho việc ấp bằng máy:
- Nhiệt độ ấp trong tuần đầu : 37,5 độ C , Độ ẩm 55 %
- Tuần thứ 2 Nhiệt độ 37,3 độ C , Độ ẩm 60 %.
- Tuần thứ 3 trở đi nhiệt độ 37 độ , Độ ẩm 75 %
Sau khi trứng nở ta thực hiện chăm sóc và nuôi dưỡng chim con theo như các hướng dẫn ở trên.
Chim trĩ có thể đẻ lên tới 8 năm, tuy nhiên đẻ khoảng 5 năm là sản lượng đẻ giảm do đó sau 4, 5 năm sinh sản nên loại. Đối với những con chim sinh sản không tốt, hoặc đã già chuyển sang nuôi chim thịt.
Đối với chim thịt nuôi khoảng 5,6 tháng là có thể xuất bán. Người nuôi chim cần thường xuyên quan sát chuồng trại, biểu hiện của chim để phát hiện các loài gây hại cho chim như rắn, chuột, cũng như phát hiện những con chim bị bệnh để có biện pháp chăm sóc đặc biệt.
Trong các bài viết tiếp theo, NongLam.NET sẽ cung cấp tới các bạn cách phòng và trị bệnh cho chim trĩ, những kinh nghiệm chăn nuôi chim trĩ.
Xem thêm: