Kỹ thuật nuôi Cá Chạch Lấu thương phẩm
Cá Chạch lấu hiện là một trong những giống cá chạch cho hiệu quả kinh tế cao, chất lượng thịt thơm. Để nuôi cá chạch lấu thu được hiệu quả kinh tế cao NongLam.NET xin gửi tới bà con kỹ thuật nuôi nuôi cá chạch lấu thương phẩm trong bể xi măng, ao đất, bể lót bạt và trên lồng bè.
Đặc điểm sinh học và tập tính của cá chạch lấu
Cá chạch lấu là loài cá nước ngọt. Nhưng chúng có khả năng sinh trưởng và phát triển mạnh cả trong môi trường nước ngọt và nước lợ cửa sông. Thân cá có màu xanh đậm hoặc đen xám, xen kẽ nhiều đốm vàng hình tròn hoặc bầu dục. Trên vây lưng có gai, vây tại ngực và hậu môn có đốm đen nhỏ. Chạch lấu không có vây bụng. Ở miền Nam, cá này được gọi theo các tên như chạch lấu, chạch bông, còn khu vực miền Trung và miền Bắc, cá này thường được gọi là chạch chấu, chạch làn Chúng sinh sống ở hầu hết các kênh rạch và tập trung đông tại nơi có dòng chảy xiết, nồng độ oxy hòa tan trong nước cao. Thức ăn chủ yếu của cá khi còn nhỏ là giun, ấu trùng, côn trùng, giáp xác nhỏ… Lớn lên, chúng ăn côn trùng trưởng thành, tôm, tép, cá nhỏ…Trong tự nhiên, Trọng lượng chạch lấu trưởng thành dao động từ 150 đến 250g/con với chạch 1 năm tuổi và nặng từ 450 đến 500g/con với chạch đạt 2 năm tuổi, chiều dài lên đến 35-40 cm. Chúng thành thục và sinh sản sau 2 – 3 năm; con đực thường lớn hơn con cái, dẫu cùng tuổi. Con cái có sức sinh sản 4.500 – 7.500 trứng/lần; trứng có kích thước nhỏ, màu vàng. Cá thường sinh sản vào mùa mưa lũ, nước đục, từ tháng 6 đến tháng 9; nơi sinh sản là hang hốc, khe đá ngầm ven sông suối.
Nguồn nước trong ao cần đảm bảo các chỉ tiêu chất lượng như sau:
- Nhiệt độ dao động từ 22-30 độ C,
- pH từ 6,5 – 8,5
- Hàm lượng oxy hòa tan > 5mg/l.
Để biết được độ pH của nước bà con cần mua Giấy quỳ tím hoặc Bút đo pH hoặc Bộ Test Kit đo pH để kiểm tra. Với các địa phương có mùa đông lạnh từ 10 độ C trở xuống thì không nên nuôi loại cá này.
Kỹ thuật nuôi cá chạch lấu thương phẩm
1/ Chuẩn bị môi trường nuôi chạch lấu
Mô hình nuôi cá chạch lấu vô cùng đa dạng từ: nuôi trong ao đất, nuôi trong lồng bè trên sông,hồ; tới bể xi măng hoặc sử dụng bể nổi lót bạt đều được. Bà con có thể cân nhắc và lựa chọn ra mô hình chăn nuôi phù hợp nhất với điều kiện kinh tế và diện tích đất của gia đình mình. Chuẩn bị môi trường nuôi chạch lấu chi tiết cho từng mô hình như sau:
Mực nước tối ưu nhất để nuôi chạch lấu dao động từ 1,2 – 1,5m.
Với mô hình nuôi cá chạch lấu trong ao đất
Ao nuôi có diện tích phù hợp nhất để dễ dàng quản lý, chăm sóc và thu hoạch chạch lấu thương phẩm có diện tích từ 500 -1000 mét vuông. Cần tát cạn ao và nạo vét hết lớp bùn đáy dưới ao. Bón vôi khử trùng với lượng từ 7-10 kg/100 mét vuông mặt ao. Sau đó phơi đáy ao từ 2-3 ngày mới cấp nước vào ao qua lưới lọc. Mật độ thả nuôi cá chạch lấu trong ao đất cần duy trì 2 – 5 con/mét vuông là hợp lý nhất. Nếu nuôi với mật độ từ 10 con trở lên / 1 m2 cần có máy sục khí hoặc quạt nước để tăng cường oxy cho cá.
Video hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá chạch lấu
Với mô hình nuôi cá chạch lấu trong bể xi măng
Bà con tính toán số lượng chạch lấu muốn thả nuôi để tính toán và xây bể to hoặc nhỏ, mật độ thả từ 5 – 10 con/mét vuông. Nếu thả dày quá sẽ khiến chúng cạnh trạnh thức ăn, không gian sống và có thể gây ra thương tích. Khi thiết kế bể, cần bố trí các ống cấp nước và thoát nước dưới đáy bể để công tác tháo rửa, thay nước diễn ra thuận tiện nhất. Trên bể xi măng bố trí các mái che tạo nơi râm mát cho chạch. Nếu cần thiết có thể thả thêm bèo làm nơi trú ẩn.
Trước khi thả cá giống, cần cọ bể thật sạch, sát khuẩn bằng muối hoặc thuốc tím. Một số địa phương còn ngâm phèn chua trong 1 tuần để loại bỏ hết các vụn và mùi xi măng. Sau đó rửa sạch, cọ lại và ngâm nước vài ngày trước khi cho nước vào bể để nuôi cá. Nước nuôi cá cần gây màu bằng phân xanh hoặc phân chuồng đã ủ hoai mục từ 3 -4 ngày trước khi thả cá giống. Màu nước chuyển sang màu nõn chuối là đạt yêu cầu.
Với mô hình nuôi cá chạch lấu trong bể lót bạt
Bà con cần chuẩn bị khung để nâng đỡ bạt làm ao. Cần lựa chọn các vật liệu chắc chắn như sắt inox để nâng đỡ được tải trọng lớn. Bạt cần chọn loại có bề mặt trơn, mềm và không làm trầy xước cá. Cần thiết kế thêm mái che nắng che mưa bên trên. Bể bạt phải bố trí hệ thống thoát nước thuận tiện. Chuẩn bị nuôi cá cần gây màu nước bằng phân chuồng đã ủ hoai mục và có thể kết hợp thêm phân NPK trước 3 – 4 ngày thả cá. Mật độ thả chạch lấu chỉ dao động từ 5 -10 con/mét vuông để đảm bảo tốc độ sinh trưởng tốt nhất cho cả đàn.
Ngoài ra hiện nay bà con cũng dùng bạt để lót ao đất nuôi cá cũng đem lại hiệu quả cao.
Với mô hình nuôi cá chạch lấu trong lồng bè trên sông hồ
Cá chạch sẽ lớn nhanh hơn nhưng khó kiểm soát được chất lượng nguồn nước. Hơn nữa nuôi trong lồng bè sử dụng lưới mắt nhỏ nên chất thải sẽ đọng lại ở đáy, do đó bà con cần có mùng màn lưới dự trữ, cứ 1 tháng thay đổi được một lần thì đảm bảo vệ sinh môi trường nuôi hơn.
Về mật độ thả cá chạch trên bể xi măng, bể lót bạt và trong lồng bè, bà con có thể thả tới 40 con/1m2, tuy nhiên cần trang bị thêm máy sục khí 24/24h, nếu bà con mới nuôi lần đầu nên chọn mật độ nuôi ít trước để lấy kinh nghiệm, các vụ sau tăng dần mật độ nuôi lên cao.
Với tất cả các mô hình trên, bà con cần bố trí một số chà trong ao để cá làm nơi trú ẩn bằng cách cắt các loại cây không có tinh dầu như tre, trúc khô…buộc thành bó rồi được ngâm kỹ ở nới khác trước khi thả hoặc thả ống nhựa, ống tre với độ dài 30 -35cm và bó thành từng bó làm chà. Số lượng chà được tính toán sao cho đủ chỗ trú ẩn cho cá, cá phân bố đều trong ao, bể nuôi thì sẽ lớn nhanh và ít bị bệnh hơn.
2/ Chọn cá chạch lấu giống
Bà con nên chọn mua giống cá chạch lấu ở các cơ sở ươm giống lai tạo uy tín đã nhiều năm sản xuất giống. Con giống có kích cỡ từ 7- 10 cm trở lên là hợp lý. Cá giống càng lớn thì tỉ lệ hao hụt càng thấp. Lựa chọn đàn cá có kích thước đều nhau, khỏe mạnh, bơi nhanh, không bị xây xát, mất nhớt và không có dị tật.
Trước khi thả cá xuống ao/ bể nuôi cần tắm cho cá bằng nước muối pha loãng 2-3% trong 10 -15 phút để tiêu diệt kí sinh trùng và sát khuẩn rồi thả từ từ bao chứa cá xuống ao/ bể nuôi để cá thích nghi dần với môi trường nước trong khoảng 15 phút, trước khi mở bao tải và để cá tự chui ra.
3/ Thức ăn và cách cho cá chạch lấu ăn
Thức ăn cho cá chạch lấu là phần quan trọng trong kỹ thuật nuôi cá chạch lấu. Để chạch lấu phát triển tốt nhất, bà con cần cho ăn đúng, đủ định lượng theo kích cỡ kết hợp bổ sung đủ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn. Cá chạch lấu là loài ăn tạp, háu ăn nhưng lượng ăn không nhiều.
Thức ăn tự nhiên của cá chạch lấu gồm tôm, tép, cá nhỏ, giun quế, ấu trùng ruồi lính đen, cua, ốc,…. Thức ăn cần được say nhuyễn hoặc băm nhỏ trước khi cho ăn. Muốn nuôi chạch lấu nhanh lớn, ngoài thức ăn tự nhiên bà con cần bổ sung thêm thức ăn công nghiệp. Hiện chưa có thức ăn công nghiệp chuyên cho cá chạch nên bà con dùng thức ăn công nghiệp dạng viên của cá lóc, cá chẽm cho cá chạch lấu ăn, yêu cầu phải là đạm động vật có độ đạm cao từ 35 – 40 %. Do cá có tập tính ăn chìm nên thức ăn cần được ngâm với nước cho nhão, rồi vê thành viên và bỏ trên các sàn cách mặt nước 5 cm.
Khẩu phần ăn cho cá tùy thuộc vào độ tuổi của cá để điều chỉnh sao cho phù hợp, vừa tránh lãng phí thức ăn, vừa không làm ô nhiễm môi trường ao nuôi. Bà con cho cá chạch lấu ăn theo khẩu phần như trong bảng này:
Cách cho cá ăn: Hàng ngày cho cá ăn 2 lần vào 8h00 sáng và 17h00 chiều. Thức ăn được cho vào sàn và đặt gần đống chà nơi cá trú ẩn.
Để tăng cường khả năng đề kháng, nên trộn định kì vitamin C và men tiêu hóa vào thức ăn hỗn hợp 2 lần/ 1 tuần.
4/ Quản lý môi trường nuôi cá chạch lấu
Bà con cần theo dõi ao nuôi hàng ngày và đánh giá chất lượng nước, đảm bảo môi trường nuôi lý tưởng nhất cho cá sinh trưởng và phát triển. Màu nước đẹp nhất để nuôi cá chạch cần có màu xanh nõn chuối với các chỉ tiêu như sau: pH từ 6,5 -8,5; độ trong từ 30 -40cm; độ oxy hòa tan > 5mg/l.
Kiểm tra ao vào buổi sáng trong lúc cho cá ăn. Nếu phát hiện các hiện tượng bất thường của cá và môi trường nuôi cần phải tiến hành xử lý ngay, tránh gây hậu quả nghiêm trọng. Thay nước ao nuôi thường xuyên để đảm bảo nguồn nước sạch nhất. Mỗi lần chỉ thay tối đa 1/3 lượng nước trong ao. Trong trường hợp nước ao có màu bất thường có thể tiến hành thay khẩn cấp nhưng không quá ½ lượng nước ao. Nếu địa phương bà con có đủ nguồn nước sạch thì mỗi ngày thay được 1 lần càng tốt.
5/ Phòng và trị bệnh trên cá chạch lấu
Mặc dù là loài vật nuôi có sức đề kháng cao, ít bệnh tật nhưng chúng vẫn có khả năng mắc một số bệnh do môi trường nuôi ô nhiễm như: nấm, kí sinh trùng, bệnh đường ruột. Cách phòng bệnh hữu hiệu nhất vẫn là đảm bảo môi trường nuôi sạch, bổ sung định kỳ vitamin C và men tiêu hóa 2 lần/tuần, vào thức ăn cho cá. Kết hợp thay nước định kì.
Nếu phát hiện chạch bị bệnh, bà con cần xử lý như sau:
- Tắm cho cá bằng nước muối 3% hoặc dung dịch thuốc tím 20g/1 mét khối nước từ 10 -15 phút.
- Trộn kháng sinh Doxycyline 0,2 -0,3g/kg thức ăn hoặc Oxytetracyline 2-4g/kg thức ăn liên tục trong 5 -7 ngày.
6/ Thu hoạch cá chạch lấu thương phẩm
Bà con có thể thu hoạch cá chạch lấu sau khi nuôi từ 9 – 12 tháng khi cá đạt kích cỡ từ 200 – 300 g/con trở lên. Sau một năm nuôi, chạch lấu có thể đạt trọng lượng 300-500 g/con. Nếu thả nuôi tiếp năm sau cá sẽ lên đến khoảng 1 kg/con. Bà con chỉ thu hoạch những con cá đạt kích thước thương phẩm và nuôi tiếp những con cá còn bé. Dùng lưới có mắt to để sàng lọc cá chạch thương phẩm hoặc tháo cạn nước để bắt cá khi thu hoạch toàn bộ ao. Do là loài cá da trơn, nên khi đánh bắt chúng rất dễ bị tổn thương, xây xát làm giảm giá trị khi thu hoạch. Bà con cần lưu ý thao tác nhanh gọn, nhẹ nhàng để giữ cho cá khỏe mạnh và tươi ngon nhất.
Trên đây là kỹ thuật nuôi cá chạch lấu thương phẩm. Hy vọng bà con sẽ áp dụng được vào thực tế tại trại cá chạch lấu của mình. Chúc bà con thành công !
Xem thêm:
- Cách kiểm tra và giữ ổn định độ pH trong ao nuôi cá chạch lấu
- Nuôi cá gì trong bể xi măng ? Gợi ý cho nông dân 9 loài thích hợp nhất
- Cách xử lý nước máy, nước giếng để nuôi Cá, nuôi Ốc
- Kỹ thuật nuôi Ốc nhồi trong bể, ao đất và lót bạt
- Kỹ thuật Nuôi Lươn không bùn trong bể