Cách nuôi Dê sinh sản nhiều, nhanh lớn
Nuôi dê sinh sản được đánh giá là mô hình cho lợi nhuận khủng. Tuy nhiên, để đi tới thành công với mô hình này cần chú trọng thực hiện các khâu kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng dê bố mẹ và dê con sau sinh.
Với chuồng trại nuôi dê sinh sản bà con cũng làm tương tự như nuôi dê hậu bị, dê thịt, trong đó cần chú ý là phải có sân chơi để cho dê con nhảy nhót, bởi vì chúng rất hiếu động, thường thì diện tích sân chơi cần to gấp đôi diện tích chuồng nuôi. Diện tích chuồng nuôi dê sinh sản được khuyến cáo là 1m2/con.
Cách chọn giống dê nuôi sinh sản
Với những nhà mới mua dê lần đầu thì chọn những con dê cái có thân hình thanh, mảnh, đầu nhỏ, nhẹ, da mỏng, lông mịn.
Với dê đực không nên dùng dê đực Cỏ địa phương làm giống, nên chọn mua đực giống như dê Bách Thảo, có tầm vóc to, thân hình cân đối, khoẻ mạnh, không khuyết tật, đầu to, ngắn, trán rộng, mắt sáng, tinh nhanh, bốn chân thẳng, khoẻ, đi đứng vững chắc, hai hòn cà đều, cân đối. Cứ 20 – 25 dê cái cần 1 dê đực giống Bách Thảo hoặc dê Boer.
Với dê con sinh ra tại nhà đã nuôi thì trước khi cai sữa, tiến hành chọn những con dê đực, dê cái tốt nhất trong đàn, có ngoại hình đẹp, cân đối, mang những điểm đặc trưng của giống, sinh trưởng tốt và có cơ quan sinh dục phát triển bình thường để nuôi sinh sản.
Trọng lượng của dê cái khi cho phối giống lý tưởng nhất là từ 20kg trở lên, dê đực phải được từ 17kg trở lên. Dê cái nếu sinh sản tốt vẫn có thể để được đến 10 năm, thông thường sau 5 năm nếu năng suất sinh sản giảm thì nên thải loại.
⇒ Xem ngay: Các trại Dê Giống, Dê Thịt trên 63 tỉnh thành
Cách phối giống dê chuẩn
Để tránh đồng huyết, hàng năm cần chuyển đổi đực giống trong đàn cái hợp lý, không cho dê đực giống là anh giao phối với em, hoặc dê đực giống là bố giao phối với con, cháu.
- Đối với dê cái, nên cho phối giống lần đầu khi đạt tuổi và trọng lượng tối thiểu cần thiết. Dê Bách Thảo thường là 7 – 9 tháng tuổi, trọng lượng 19 – 20 kg. Trong thực tế sản xuất, áp dụng bằng cách bỏ qua 2 lần động dục đầu tiên của dê cái, sau đó mới cho phối giống. Đối với dê cái đang sinh sản, thường sau khi đẻ 1,5 – 2 tháng, đã phục hồi sức khoẻ mới cho phối giống lại. Dê đực giống Bách Thảo, dê ngoại, dê lai cho phối với dê cái khi đạt 8 – 9 tháng tuổi.
- Chu kỳ động dục của dê là 19 – 21 ngày, kéo dài 1 – 3 ngày. Dê mắn đẻ (cứ 6 – 7 tháng/lứa), mỗi lứa để từ 1 – 3 con. Khi động dục, âm hộ hơi sưng, có màu đỏ hồng, chảy dịch nhờn, kêu la bỏ ăn, nhảy lên lưng con khác, nếu đang tiết sữa thì giảm sữa đột ngột. Khi phát hiện dê động dục ngày hôm nay thì sáng sớm hôm sau cho giao phối 2 lần vào buổi sáng và chiều là phù hợp.
- Cần có sổ theo dõi phối giống để ghi chép ngày phối, kết quả phối giống và dự định ngày dê đẻ.
Xem thêm:
⇒ Đá liếm cho dê uy tín chất lượng cao
⇒ 10 Giống Cỏ Chăn Nuôi Tốt Nhất Hiện Nay
⇒ Giá bán Hạt giống cỏ chăn nuôi 2020
⇒ Bò giống 3B mua ở đâu ? Các địa chỉ bán bò giống 3B
⇒ Địa chỉ các trại bán Dúi Giống, Dúi Thịt trên cả nước
Cách chăm sóc dê cái mang thai
Sau khi phối giống, theo dõi nếu đến chu kỳ động dục ( bình thường khoảng từ 21 – 23 ngày) mà không thấy dê động dục trở lại là có thể dê đã thụ thai. Dê mang thai trung bình 150 ngày (biến động từ 145 – 157 ngày), vì vậy phải chuẩn bị đỡ đẻ cho dê trước ngày thứ 140, nghĩa là chuẩn bị trước khi đẻ 4 – 5 ngày.
Khi dê có chửa, nhu cầu dinh dưỡng tăng dần, đặc biệt ở 2 tháng cuối cùng dê cái chịu kiếm ăn hơn, phàm ăn hơn bình thường, biểu hiện ở thể trạng bên ngoài là lông mượt và tăng cân. Cần đáp ứng đủ số lượng và chất lượng thức ăn để dê nuôi thai tốt và có nhiều sữa sau khi sinh.
Đối với dê đang cho sữa, tuổi thai càng lớn, lượng sữa của dê mẹ khai thác càng giảm để bào thai phát triển tốt và tránh sản lượng sữa giảm ở các chu kỳ sau.
Không chăn dê quá xa chuồng và tránh dồn đuổi, đánh đập, tuyệt đối không nhốt dê đực giống trong đàn cái đang chửa.
Đối với dê chửa lần đầu cần xoa bóp nhẹ bầu vú để kích thích tuyến sữa phát triển và tập cho dê quen dần với việc vắt sữa sau này.
Dự tính ngày dê đẻ để chuẩn bị trực, chủ động đỡ đẻ và chăm sóc dê con sơ sinh được chu đáo.
Video Hướng dẫn Kỹ thuật nuôi Dê sinh sản
Cách chăm sóc dê đẻ
- Dê sắp đẻ nên nhốt riêng từng con ở chuồng đã được vệ sinh tiêu độc, khô, sạch, ấm và yên tĩnh.
- Trước khi đẻ 5-10 ngày nên giảm bớt chức ăn tinh ở những dê cái có năng suất sữa cao để tránh viêm vú, sốt sữa. Cần bố trí người trực dê đẻ, chuẩn bị cũi, rơm, vải khô lót ổ nằm cho dê con sau khi sinh và các loại dụng cụ như cồn iốt, giẻ lau, kéo, chỉ để cắt rốn cho dê sơ sinh.
- Dê sắp đẻ có những biểu hiện: Dê khó chịu, đi đái nhiều, bầu vú và âm hộ sưng đỏ, bụng sa, bầu vú căng. Ở âm hộ có dịch đặc chảy thành dòng và xuất hiện bọc nước ối là dê sắp đẻ. Khi nước ối vỡ ra là dê đẻ. Bình thường thai sẽ được đẩy ra từ từ theo nhịp rặn của dê mẹ. Thường dê đẻ từ 1 – 4 giờ tuỳ theo số lượng thai và vị trí thai.
- Nếu dê con đang ra mà bị kẹt, khó đẻ, dê mẹ thường kêu la, cần hỗ trợ bằng cách đưa tay đã sát trùng vào đẩy thai theo chiều thuận, khi lôi thai ra phải cẩn thận hai tay nắm phần thân phía ngoài kéo nhẹ ra theo nhịp rặn của dê mẹ. Điều quan trọng trước khi can thiệp là xác định đúng vị trí ngôi thai hiện tại.
- Khi dê con ra được ngoài, dê mẹ tự liếm con, song vẫn phải lấy khăn sạch, mềm, khô, lau hết nhớt từ miệng, mũi, tai, mình, 4 chân. Sau đó, vuốt sạch máu từ cuống rốn trở ra phía ngoài, dùng dây chỉ chắc thắt chặt cuống rốn cách bụng 3 – 4cm, dùng dao sắc hay kéo cắt cuống rốn phía ngoài chỗ bược chỉ 1 – 1,5 cm rồi sát trùng bằng cồn iốt 5% hoặc ôxy già. Sau khi đẻ hết con (khoảng 30 phút đến 4 giờ) nhau thai sẽ ra, không để dê mẹ ăn nhau. Trường hợp đẻ khó hoặc sau đẻ 4 giờ mà nhau vẫn chưa ra thì mời bác sĩ thú y can thiệp. Dê mẹ đẻ xong cho uống nước ấm có pha muối 0,5% hoặc nước đường 5 – 10%. Hàng ngày cho dê mẹ ăn thức ăn thô, xanh non, thức ăn tinh chất lượng tốt theo khẩu phần xác định. Không cho dê mẹ ăn quá nhiều thức ăn tinh và củ quả để tránh dê bị chướng bụng đầy hơi.
- Sau đó, rửa sạch bầu vú và âm hộ. Trường hợp nếu dê mẹ sưng nầm sữa thì chườm nước nóng và vắt sữa cho khỏi tắc các tia sữa.
Cách nuôi dưỡng dê con từ sơ sinh đến cai sữa
Giai đoạn bú sữa đầu ( từ sơ sinh đến 7 ngày tuổi)
Sau khi đẻ 20 – 30 phút cho dê con bú sữa đầu không được để chậm hơn. Có thể cho bú trực tiếp hoặc bú bằng bình, mỗi ngày 3 – 4 lần.
Bố trí ổ lót bằng rơm rạ mềm, khô cho dê con nằm. Nếu trời lạnh cần sửa ấm cho dê con.
Nếu dê con yếu, cần vắt sữa ra bình cho dê bú. Nếu dê mẹ không cho con bú, phải ép cho bú bằng cách giữ chặt dê mẹ, vắt bỏ những tia sữa đầu rồi vắt sữa vào miệng dê con. Làm mấy lần cho đến khi dê mẹ quen và cho con bú.
Giai đoạn bú sữa thường ( từ 7 ngày tuổi đến cai sữa)
Giai đoạn này có thể kéo dài 3 tháng, hoặc hơn, tùy theo hướng sản xuất. Nếu nuôi dê để khai thác sữa, nên cai sữa lúc 3 tháng tuổi. Ở những dê mẹ năng suất sữa thấp và nuôi lấy thịt, có thể cho dê con bú đến tháng thứ 4 hoặc thứ 5.
Có thể cho dê con bú trực tiếp, bú bình hoặc vắt sữa ra chậu cho dê con ăn, mỗi ngày 2 – 3 lần. Sữa vắt ra cho ăn ngay. Dụng cụ chứa sữa như bình, chậu phải sạch sẽ.
Từ tuần tuổi thứ 3, tập cho dê con ăn các loại thức ăn dễ tiêu, chất lượng tốt như: cỏ non phơi tái, cỏ khô sạch, bột cám, bột ngô, bột đậu tương rang…
Từ 21 – 30 ngày tuổi có thể cho dê con chăn thả theo đàn
Lượng sữa và thức ăn tinh hàng ngày cần cho một con như sau:
- Dưới 3 tuần tuổi : 400 – 600 g sữa
- Từ 22 – 42 ngày tuổi : 500 – 600 g sữa và 50 – 100 g thức ăn tinh
Cần cung cấp đầy đủ nước uống sạch sẽ cho dê con, thường xuyên quét dọn chuồng trại, bảo đảm chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ.
Mỗi ngày cần bố trí cho dê con vận động 1 – 2 giờ trên sân chơi cạnh chuồng hoặc trên bãi chăn. Những con còi cọc, cần bổ sung thêm premix khoáng, các vitaminA, D, E, B-complex…Trước khi cai sữa sử dụng Levamisol tẩy giun đũa cho dê con.